
Bún cá
Đã về An Giang thì bạn phải ăn bún cá, đây là món ăn ngon nhất định không thể bỏ qua.
Món bún cá được bán ở nhiều nơi, dù là ở Long Xuyên, Châu Đốc hay Tân Châu bạn đều có thể thưởng thức món bún cá lóc (cá quả) ngon tuyệt vời này.
Nấu bún cá thì chỉ có cá lóc là ngon nhất, nhiều loại cá khác không thay thế được. Các lóc phải là cá lóc đồng, thịt ngọt và săn chắc mới ngon. Người ta ướp cá cùng với nghệ vàng nên cá không hề bị tanh mà còn thơm ngọt hơn hẳn, cũng vì vậy mà nước lèo của bún cũng có vị thanh ngọt tự nhiên của cá.
Ăn bún cá là phải ăn kèm với rau muống bào, bắp chuối xắt sợi, bông điên điển và rau giá tươi ngon. Tô bún cá sẽ hấp dẫn hơn khi nặn thêm một ít chanh vào nước lèo, làm cho tô bún thêm đậm đà với vị chua chua hòa vào vị ngọt thanh của cá một cách tuyệt hảo.
Gỏi sầu đâu
Nhắc đến gỏi thì nhiều người nghĩ ngay đến vị chua ngọt đặc trưng của các món gỏi, dùng để ăn chơi hay ăn kèm với những món chính đều quá dẫn. Nhưng ở An Giang có một món gỏi rất lạ, rất kén người ăn, đó là món gỏi sầu đâu.
Sầu đâu, nghe cái tên đã thấy “sầu”, ăn xong gỏi lại càng “rầu” (từ “sầu” và “rầu” là tiếng lóng địa phương, mang nghĩa là “buồn chán”). Gỏi sầu đâu này tôi không ăn được, bởi vì tôi không thích vị đắng. Đặc trưng của lá sầu đâu là ăn vào sẽ rất đắng, nhưng nuốt đến cổ họng thì sẽ cảm được hậu ngọt. Người không thích vị đắng sẽ khó ăn món này (như tôi), nhưng người ăn đắng được thì sẽ nghiện món này.
Sầu đâu là một loại cây mọc hoang, có rất nhiều ở vùng Bảy núi. Người dân nơi đây thường hái lá sầu đâu ăn kèm với thịt kho, mắm… Người ta bảo vị mặn của mắm hòa quyện với vị đắng ngọt của sầu đâu sẽ trở thành một món ăn tuyệt hảo nhất trần đời. Nhưng cách chế biến thường thấy nhất là trộn gỏi, người ta trộn với đủ thứ gỏi, từ gà, vịt, heo, tôm, cá… đều có thể trộn với lá sầu đâu.
Món gỏi sầu đâu dễ làm nhưng cũng cần có bí quyết mới trở nên ngon miệng. Lá sầu đâu phải được trụng sơ qua nước sôi để giảm đi độ đắng, trộn kèm với thịt luộc xắt mỏng, tôm luộc lột vỏ và khô cá xé nhỏ, có thể thêm dưa leo hoặc xoài tùy thích, sau đó trộn đều tất cả với nước mắm giấm đường chua ngọt. Khi bày ra dĩa thì cho thêm vài cọng ngò, rau thơm, đậu phộng và vài miếng ớt cho thêm phần hấp dẫn.
Đã đến vùng Bảy núi thì bạn nên một lần thử món gỏi sầu đâu, món ăn độc nhất vô nhị này có khi sẽ là lí do khiến bạn quyến luyến vùng đất này khôn nguôi.
3. Lạp xưởng bò (Tung lò mò) An Giang:
Tung lò mò là món ăn truyền thống của người Chăm sinh sống ở các vùng Tri Tôn, Tịnh Biên (TP. Châu Đốc) và Châu Phong (TX. Tân Châu). Những người Chăm theo Đạo Hồi, họ không ăn thịt heo nên thịt bò là nguồn cung cấp thịt chính.
Tung lò mò thực chất là món lạp xưởng bò, món ăn này được người Chăm làm để tích trữ lương thực dùng dần. Bởi vì lạp xưởng bò để được lâu, càng lâu sẽ càng ngon nên thịt bò vụng sẽ được đem đi làm lạp xưởng, để dùng dần sẽ không lãng phí.
Ngày xưa người Chăm làm tung lò mò để phục vụ riêng cho gia đình của mình, nhưng bởi hương vị ngon hảo hạng của nó mà thu hút nhiều người Kinh đến thưởng thức. Tôi được nghe người Chăm kể lại rằng, trước kia họ chỉ làm để phục vụ nhu cầu ăn uống trong gia đình, có nhiều người Kinh đến hỏi mua, nhưng họ không bán mà chỉ biếu tặng. Nhưng ngày càng có nhiều người đến hỏi, vì thế số lượng làm tặng không đủ. Thế nên bây giờ người Chăm quyết định làm số lượng lớn để bán, một phần để tăng thu nhập, một phần để đáp ứng “mong muốn thiết tha” của người Kinh.
Món lạp xưởng bò được làm từ thịt bò vụng trộn chung với mỡ bò và ruột bò xoay nhuyễn. Để tăng thêm hương vị người Chăm sử dụng cơm nguội đã lên men để thêm vào món lạp xưởng, tạo ra vị chua đặc trưng của món ăn.
Miếng lạp xưởng ngon nhất là khi nướng trên bếp than, mỡ bò tan chảy tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, lạp xưởng được nêm vừa miệng, vị mặn, vị ngọt và vị chua chua kết hợp cũng vị béo của mỡ bò làm cho món ăn ngon khó cưỡng.
Xôi Xiêm
Xôi Xiêm không phải là món ăn của người bản địa, đây là một món xôi của người Thái. Món ăn này đặc biệt phù hợp với những ai hảo ngọt, như tôi đây – một fan trung thành của món xôi xiêm.
Món xôi này được bán nhiều ở TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, mỗi nơi đều gia giảm thành phần làm xôi nhưng nhìn chung đều có hương vị ngọt béo đặc trưng.
Nguyên liệu cơ bản để làm món xôi xiêm là nếp, bột mỳ, trứng, đường thốt nốt. Một số nơi có thêm sầu riêng, nước dừa hoặc đậu xanh tách vỏ. Muốn xôi được ngon thì nên nấu bằng gạo nếp Thái, xôi nấu lên sẽ rất thơm và dẻo. Xôi xiêm có vị ngọt đậm và béo ngậy từ nước dừa, ăn một gói bạn sẽ thèm ăn thêm, nhưng ăn nhiều lại mau ngán.
Xôi được xới ra và gói trong lá sen, sau đó người bán phết lên bề mặt xôi một lớp cadé mịn vàng óng (hỗn hợp từ bột mỳ, trứng, đường, sầu riêng…) và rưới thêm nước cốt dừa lên trên, cầm gói xôi còn nóng hổi tỏa mùi thơm nghi ngút rất thích thú. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nơi không gói bằng lá sen nữa mà để trong những hộp nhựa cho tiện lợi, điều này một phần làm mất đi “cái hồn” của món xôi xiêm.
Bánh bò dừa Tân Châu
Bánh bò dừa từ lâu đã trở thành đặc sản của Tân Châu, nổi tiếng nhất là bánh bò dừa của bà Út Dứt.
Điểm đặc sắc của chiếc bánh bò là được làm từ đường thốt nốt nên có được màu vàng ươm bắt mắt. Đường thốt nốt có vị ngọt gắt, đậm đà và thơm hơn những loại đường khác, người ta thường dùng đường thốt nốt để nấu chè, ngon không gì bằng.
Chiếc bánh bò được hấp lên và nở thành từng ổ tròn đầy đặn, bên trong thân bánh có những đường bọt khí rẽ nhánh như rễ cây. Điểm đặc sắc của chiếc bánh này là lớp nước cốt dừa sánh mịn được chan đều lên khắp mặt bánh, chiếc bánh nở ra làm cho nước dừa len lõi chảy xuống theo đường bọt khí hình rễ cây thấm đều vào chiếc bánh bò. Điều này làm cho chiếc bánh bò vừa thơm nồng vừa có vị ngọt béo hài hòa
Bò leo núi
Món bò leo núi là một món đặc sản của Tân Châu. Món ăn này đặc biệt không phải vì nuôi bò ở trên núi như nhiều người liên tưởng. Thật chất món ăn có tên bò leo núi là bởi vì thiết kế đặc biệt của dụng cụ nướng bò.
Thịt bò được nướng trong một cái vĩ tròn có hình dạng giống như một nồi lẩu, chính giữa cái vĩ nướng này có một ụ tròn nhô lên cao trông như một quả núi. Trên thân của ụ tròn này người ta khoét những cái lỗ để cho hơi lửa than thoát ra, thịt bò sẽ được nướng trên cái ụ đó cho đến khi chín mềm.

Thịt bò được ướp với công thức rất riêng, đó là ướp bằng lòng đỏ của trứng gà cùng gia vị. Trước khi nướng thịt bò thì người bán sẽ để một miếng mỡ heo lên trán đều mặt vĩ, sau đó để thịt bò lên vĩ và không quên phết lên lớp bơ cùng lòng đỏ trứng. Mùi thịt nướng thơm phứt kích thích vô cùng. Miếng thịt bò mềm và béo, ăn kèm với rau sống, chuối chát cuốn bánh tráng rất tuyệt.
Bánh xèo rau rừng
Bánh xèo thì ở miền Tây có rất nhiều, nhưng ở Châu Đốc bánh xèo có điểm đặc biệt hơn. Điểm nhấn của bánh xèo Châu Đốc chính là đĩa rau đi kèm, đó không phải là đĩa rau sống với dưa leo bình thường mà là một đĩa thập cẩm hơn 20 loại lá cây rừng.
Bánh xèo lá cây rừng được bán nhiều trên đường lên núi Cấm, thu hút được nhiều thực khách phương xa. Bánh xèo miền núi có khác hơn bánh xèo vùng đồng bằng, những nguyên liệu và cách chế biến bánh xèo đậm chất “cây nhà lá vườn”.

Chiếc bánh xèo ở đây được làm từ loại gạo lúa Sóc, được người dân xay thủ công bằng cối đá, dừa khô cũng được nạo bằng tay, nghệ vàng thì được hái trong vườn nhà, toàn những nguyên liệu từ thiên nhiên 100%. Hấp dẫn nhất là đĩa rau ăn kèm với bánh xèo, nhiều loại lá cây rừng trên núi như cây sung, xoài, cóc rừng, càng cua, đinh lăng, mã đề, lá lốt… đều được bày biện ăn cùng với bánh xèo. Cả nước mắm cũng được chế biến đặc trưng bản địa, ngoài những thành phần như tỏi, ớt, chanh, đường thì người dân còn cho thêm trái trúc – một loại trái bản địa có vị chua, tạo nên một chén mắm chua ngọt đặc biệt không lẫn vào đâu được.
Bánh xèo núi Cấm vì thế mà có những mùi vị rất đặc trưng, chiếc bánh xèo giòn và beo béo ăn kèm với rua rừng vừa mát, vừa ngọt lại thoang thoảng vị chua, vị chát rất lạ miệng. Chấm vào chén nước mắm chua ngọt sẽ tạo nên hương vị không từ nào diễn tả được, đó là tổng hòa của các vị chua, ngọt, mặn, béo, đắng, chát… làm cho người ăn cảm thấy thích thú và không bao giờ ngán.